Diễn biến Bầu_cử_Chủ_tịch_Quốc_hội_và_Chủ_tịch_nước_Việt_Nam_2024

Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu công tác nhân sự

Vào lúc 10 giờ sáng ngày 18 tháng 5 năm 2024, sau một phiên họp tại Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã quyết định thống nhất giới thiệu Đại tướng Tô Lâm giữ chức vụ Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Trần Thanh Mẫn giữ chức Chủ tịch Quốc hội.[21] Việc ông Lâm được lựa chọn giữ chức vụ Chủ tịch nước được cho là đã được Trung ương Đảng Việt Nam quyết định từ đầu tuần trước đó, trước khi thông tin này được công bố chính thức trên báo chí. Theo chính phủ Việt Nam, cả hai đã nhận được "sự ủng hộ rộng rãi" từ Trung ương.[22] Đây là phiên họp lãnh đạo chủ chốt đầu tiên sau khi Hội nghị Trung ương khóa XIII lần thứ 9 được thông qua.[23] Việc giới thiệu công tác nhân sự được diễn ra vài ngày sau khi Bộ Chính trị Việt Nam bổ sung thêm 4 Ủy viên Bộ Chính trị bao gồm Lê Minh Hưng, Nguyễn Trọng Nghĩa, Bùi Thị Minh HoàiĐỗ Văn Chiến.[24]

Theo Bùi Văn Cường – Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam, Đảng Cộng sản Việt Nam đã được quy định trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Việc Đảng giới thiệu cán bộ cho Quốc hội bầu cử ở các vị trí các cơ quan Nhà nước được xem là "một trong các phương thức lãnh đạo của Đảng".[25] Đồng thời, trong trường hợp Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước, ông vẫn được cho là sẽ kiêm nhiệm Bộ trưởng Bộ Công an cho đến hết nhiệm kì.[25][26] Tuy nhiên, lịch sử chính trị Việt Nam sau năm 1976 chưa có Chủ tịch nước nào kiêm nhiệm chức danh Bộ trưởng, bởi vì Chủ tịch nước là một chức danh nguyên thủ quốc gia, còn Thủ tướng Chính phủngười đứng đầu chính phủ.[27] Thủ tướng Chính phủ không có phạm vi và quyền hạn trên nguyên thủ quốc gia - Chủ tịch nước.[28] Dù vậy, theo quy định của Hiến phápĐiều lệ Đảng không có quy định Chủ tịch nước không thể kiêm nhiệm một chức vụ trong Chính phủ Việt Nam.[29][30] Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 21 tháng 5, theo tờ trình của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Quốc hội Việt Nam đã quyết định bổ sung việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an đối với ông Lâm vào chương trình kỳ họp của Quốc hội.[31][32]

Bầu cử

Bầu cử Chủ tịch Quốc hội

Trần Thanh Mẫn tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch Quốc hội.

Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thường kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XV diễn ra vào sáng ngày 20 tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trình danh sách các ứng cử viên cho Quốc hội để bầu Chủ tịch Quốc hội. Đồng thời, các đoàn được cho phép thảo luận về danh sách đề cử. Đầu phiên họp buổi chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình và tiếp thu ý kiến trở lại từ các đại biểu quốc hội sau khi thảo luận tại đoàn. Sau khi thảo luận, Ban kiểm phiếu bầu cử được Quốc hội thành lập. Quá trình bầu cử Chủ tịch Quốc hội được diễn ra bằng hình thức bỏ phiếu kín.[33] Với 475 phiếu bầu từ các đại biểu quốc hội có mặt (chiếm tỉ lệ 100%), Trần Thanh Mẫn chính thức được bầu giữ chức vụ Chủ tịch Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.[34] Ngay sau đó, buổi tuyên thệ nhậm chức của ông cũng được diễn ra trong tòa nhà Quốc hội. Cụ thể, lời tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó".[35][36] Việc tuyên thệ nhậm chức của Chủ tịch Quốc hội cũng là bắt buộc khi được quy định trong Hiến pháp Việt Nam. Nghị quyết bầu Chủ tịch Quốc hội cũng đã được thông qua trước khi ông Mẫn tuyên thệ nhậm chức.[36]

Trong bài phát biểu sau khi nhậm chức, ông cho biết bản thân mình cảm thấy vui mừng khi được tín nhiệm. Trong diễn văn, ông Mẫn cho biết bản thân rất biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh, mẹ Việt Nam anh hùng, anh hùng lực lượng vũ trang... và lời cảm ơn đối với Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng người dân trong và ngoài nước. Sau những lời bày tỏ và cảm ơn, ông khẳng định sẽ giữ vững độc lập dân tộcchủ nghĩa xã hội cùng sự vận dụng và phát triển từ chủ nghĩa Marx–Lenin cũng như tư tưởng Hồ Chí Minh.[36] Đến sáng ngày 22 tháng 5, ông Mẫn được phê duyệt giữ chức Ủy viên Hội đồng Quốc phòng và An ninh với 463/463 đại biểu quốc hội có mặt tán thành, chiếm tỷ lệ 100% (95,07% đối với tổng số đại biểu quốc hội).[37]

Bầu cử Chủ tịch nước

Tô Lâm tuyên thệ nhậm chức Chủ tịch nước.

Trước đó, theo Tổng thư ký Quốc hội Việt Nam Bùi Văn Cường, trong kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ không miễn nhiệm chức vụ của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trong trường hợp ông được bầu làm Chủ tịch nước.[25] Tuy nhiên, đến đầu giờ chiều ngày 21 – ngày họp thứ hai của kỳ họp thường kỳ thứ 7, Quốc hội Việt Nam đã tổ chức bỏ phiếu sau khi có đơn trình yêu cầu từ Thủ tướng Phạm Minh Chính về việc bổ sung quy trình miễn nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Công an đối với Tô Lâm trong chương trình của kỳ họp. Cuộc bỏ phiếu đã được thông qua với 468/469 đại biểu quốc hội tán thành, chiếm 96,1% tổng số đại biểu tham gia bỏ phiếu. Quy trình miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng của ông Lâm được công bố thực hiện đồng thời với nội dung bầu cử Chủ tịch nước.[31][32] Như vậy, quyết định miễn nhiệm Tô Lâm khỏi chức vụ Bộ trưởng không nằm trong chương trình ban đầu của kỳ họp thường kỳ thứ 7 của quốc hội Việt Nam.[38]Vào cuối giờ chiều ngày thứ hai của kỳ họp thường kỳ thứ 7 Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục trình danh sách các ứng cử đến Quốc hội để các đại biểu quốc hội bầu Chủ tịch nước, sau khi danh sách được trình, các đại biểu quốc hội được cho là sẽ tiến hành thảo luận tại Đoàn về các ứng cử viên.[39][40] Theo danh sách, Tô Lâm là ứng cử viên duy nhất tham gia bầu cử. Đầu phiên họp sáng ngày 22 tháng 5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ bắt đầu nhận giải trình, tiếp thu ý kiến từ các đại biểu quốc hội sau khi được thảo luận tại Đoàn. Đồng thời ngay sau đó, Quốc hội sẽ tiến hành bầu cử Chủ tịch nước thông qua hình thức bỏ phiếu kín.[40] Với 472/473 đại biểu có mặt tán thành, chiếm 99,79% số phiếu, Quốc hội Việt Nam chính thức thông qua Nghị quyết bầu Tô Lâm giữ chức Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021–2026. Vào lúc 9 giờ 2 phút, theo giờ Việt Nam, nghi thức tuyên thệ của ông chính thức được bắt đầu và được truyền hình lẫn phát thanh trực tiếp. Khi tuyên thệ, ông Lâm mặc vest cùng cà vạt đỏ. Cụ thể lời tuyên thệ: "Dưới cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của Tổ quốc, trước Quốc hội và đồng bào cử tri cả nước, tôi – Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam – xin tuyên thệ: Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".[41][42] Đồng thời, ông cũng chính thức bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Công an như phê duyệt trước đó sau khi giữ chức Chủ tịch nước.[43][44] Cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng giao quyền điều hành Bộ Công an cho Thượng tướng Trần Quốc Tỏ.[45]

Đây là vinh dự, là trách nhiệm to lớn, đồng thời là cơ hội để cùng với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư dốc toàn bộ tâm sức, trí lực phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân...

– Chủ tịch nước Tô Lâm[46]

Sau khi nhậm chức, Tô Lâm đã có bài phát biểu chung trước Quốc hội Việt Nam. Đầu tiên, ông đã gửi lời cảm ơn đến Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng những người đã tín nhiệm cho ông. Ông cho biết, bản thân mình sẽ "dốc toàn bộ tâm sức, trí lực" nhằm để "phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân". Ông cũng đã nhắc đến Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bài phát biểu của mình như một "lãnh tụ thiên tài". Đồng thời, ông cũng cam kết thực hiện nghiêm túc quyền hạn của Chủ tịch nước Việt Nam, thực hiện các nhiệm vụ của Chủ tịch nước với tinh thần "tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc". Ngoài ra, ông cũng khẳng định phấn đấu đưa Việt Nam thành "nước phát triển, có thu nhập cao, theo định hướng xã hội chủ nghĩa" vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước. Trong bài phát biểu, ông đã tuyên bố sẽ "vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx–Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh cùng đường lối đổi mới của Đảng" và cam kết thực hiện nhà nước "của dân, do dân, vì dân". Việc "đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực" cũng được ông khẳng định trong cương vị của Chủ tịch nước, đồng thời cam kết "ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, 'tự chuyển biến', 'tự chuyển hóa'". Về chính sách đối ngoại, ông Lâm tuyên bố sẽ vẫn "đa phương hóa, đa dạng hóa" các mối quan hệ ngoại giao theo chính sách ngoại giao cây tre.[46][47] Khi nhậm chức, ông Lâm trở thành Chủ tịch nước thứ ba tại Việt Nam mang hàm Đại tướng và là người thứ hai mang hàm Đại tướng Công an nhân dân.[lower-alpha 1]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bầu_cử_Chủ_tịch_Quốc_hội_và_Chủ_tịch_nước_Việt_Nam_2024 https://vtcnews.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang-d... https://web.archive.org/web/20240320125155/https:/... https://web.archive.org/web/20240320103929/https:/... https://web.archive.org/web/20240320130645/https:/... https://web.archive.org/web/20240320121425/https:/... https://web.archive.org/web/20240320200814/https:/... https://web.archive.org/web/20240320011438/https:/... https://web.archive.org/web/20240426105107/https:/... https://web.archive.org/web/20240427073816/https:/... https://web.archive.org/web/20240422091549/https:/...